Luận bàn thẩm quyền và quyền xét xử của Tòa án
trong vụ tranh chấp di sản thừa kế của cố nghệ sĩ Vũ Linh
Vừa qua, Bản án sơ thẩm số 09/2025/DS-ST ngày 07 tháng 01 năm 2025 có nội dung giải quyết tranh chấp di sản thừa kế của cố nghệ sĩ Vũ Linh đã xác định thẩm quyền xét xử thuộc Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. Liên quan đến nội dung bản án và thẩm quyền Tòa, dưới góc nhìn quan điểm pháp lý cá nhân, Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Nguyên – Cố vấn pháp lý Công ty Luật T&Q xin có đôi ý luận bàn về thẩm quyền và quyền xét xử của Tòa án. Hy vọng bài viết sẽ mở ra thêm góc nhìn, nhận thêm sự quan tâm xã hội và đóng góp ý kiến nhỏ vào dòng chảy sự kiện pháp lý.
I. Đặt vấn đề
Các căn cứ quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự để xác định vụ án trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể:
(1) Vụ án phải có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài (Khoản 3 Điều 35, Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự).
(2) Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phải xem xét hủy quyết định cá biệt trong cùng vụ án, mà quyết định cá biệt này phải là quyết định hành chính do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân/Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện/quận/thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh, cơ quan đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài và quyết định hành chính của người có thẩm quyền trong các cơ quan đó ban hành (Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 32 Luật Tố tụng hành chính).
(3) Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tự mình lấy lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân cấp huyện huyện/quận/thành phố thuộc Thành phố Hồ Chí Minh (Khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự).
II. Phân tích quy định pháp luật và đánh giá vụ án
1. Thẩm quyền Tòa án
1.1. Các yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị Hồng Nhung: Hủy giấy giao nhận việc nuôi con nuôi giữa cố nghệ sĩ Vũ Linh và bà Võ Thị Hồng Loan; Hủy giấy khai sinh của bà Võ Thị Hồng Loan; Xác định cố nghệ sĩ Vũ Linh không có người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, những người thuộc hàng thừa kế thứ hai là bà Võ Thị Hồng Nhung và ông Võ Thành Nhiêu, xác định bà Võ Thị Hồng Nhung và ông Võ Thành Nhiêu được hưởng toàn bộ di sản; Hủy văn bản khai nhận di sản thừa kế, đồng thời hủy cập nhật biến động thông qua nội dung của văn bản khai nhận di sản thừa kế; Buộc bà Võ Thị Hồng Loan và những người đang sinh sống tại căn nhà (là một trong những di sản) phải di dời và bàn giao căn nhà cho bà Võ Thị Hồng Nhung và ông Võ Thành Nhiêu; Buộc bà Võ Thị Hồng Loan phải trả lại toàn bộ giấy tờ liên quan đến di sản.
1.2. Thẩm quyền Tòa án xét xử vụ án tranh chấp về thừa kế là Tòa án nơi cư trú của bị đơn được quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự. Trong vụ án này các đương sự tham gia tố tụng không có ai hiện cư trú ở nước ngoài; vụ án không thuộc trường hợp cần phải ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.
1.3. Đối với yêu cầu hủy giấy giao nhận nuôi con nuôi, hủy giấy khai sinh, hủy nội dung cập nhật biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tòa án cần phải xác định đối tượng bị yêu cầu hủy có phải là quyết định hành chính cá biệt trái pháp luật hay không.
1.3.1. Tại thời điểm năm 1992, pháp luật áp dụng để xác lập và công nhận quan hệ nuôi con nuôi là Luật Hôn nhân gia đình năm 1986, cụ thể Điều 37 Luật này quy định “Việc nhận nuôi con nuôi do Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người nuôi hoặc con nuôi công nhận và ghi vào sổ hộ tịch”. Đây là pháp luật duy nhất tại thời điểm này điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi giữa cố nghệ sĩ Vũ Linh và bà Võ Thị Hồng Loan, Điều luật này quy định Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn là cơ quan có thẩm quyền duy nhất thực hiện công nhận và ghi vào sổ hộ tịch việc nhận nuôi con nuôi, người dân không cần phải thực hiện thủ tục đăng ký nên không có bất kỳ văn bản dưới luật nào hướng dẫn thủ tục hành chính tại thời điểm đó. Từ đó, tác giả khẳng định giấy giao nhận việc nuôi con nuôi và giấy khai sinh do Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận cấp ngày 21/3/1992 cho bà Võ Thị Hồng Loan là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân, giấy tờ này không mang bản chất là quyết định hành chính cá biệt thuộc đối tượng khởi kiện của vụ án hành chính quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính: “Quyết định hành chính là văn bản do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính nhà nước ban hành hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó ban hành quyết định về vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể”. Phân tích này cũng phù hợp với Mục 29 Công văn số 207/TANDTC-PC ngày 30/10/2024 của Tòa án nhân dân tối cao về thông báo kết quả giải đáp một số vướng mắc trong công tác xét xử vụ án hành chính.
1.3.2. Đối với yêu cầu hủy nội dung cập nhật biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác găn liền với đất. Tác giả cho rằng nội dung cập nhật biến động này là việc xác nhận biến động thông qua nội dung của văn bản khai nhận di sản thừa kế, đây là thủ tục hành chính trong giao dịch dân sự, không mang bản chất là một quyết định hành chính cá biệt, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền sẽ thực hiện việc đăng ký biến động trên cơ sở kết quả giao dịch có hiệu lực. Nội dung này đã được khẳng định tại Điều 2 Mục II Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao về thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính.
Từ các phân tích trên, Tòa án không cần phải xem xét tính trái pháp luật của giấy giao nhận việc nuôi con nuôi, giấy khai sinh và nội dung cập nhật biến động trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mà phía bà Võ Thị Hồng Nhung có yêu cầu hủy. Nói cách khác, vụ án không thuộc trường hợp quy định tại Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận.
1.4. Đối với trường hợp Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện quyền lấy hồ sơ vụ án lên để giải quyết khi xét thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của Tòa án nhân dân quận Phú Nhuận thì cần nhận định rõ tại bản án về việc đã thực hiện các thủ tục tố tụng theo quy định pháp luật.
2. Quyền xét xử của Tòa án
2.1. Giả sử giấy giao nhận việc nuôi con nuôi và giấy khai sinh do Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận cấp ngày 21/3/1992 cho bà Võ Thị Hồng Loan là quyết định hành chính cá biệt.
Như đã phân tích, pháp luật duy nhất điều chỉnh quan hệ nuôi con nuôi giữa cố nghệ sĩ Vũ Linh và bà Võ Thị Hồng Loan là Luật Luật Hôn nhân gia đình năm 1986. Luật này không có phạm vi điều chỉnh về quan hệ nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, mãi đến năm 1993 mới có Pháp lệnh số 28-l/CTN ngày 02/12/1993 của Ủy ban thường vụ quốc hội điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, trong đó tại Điều 3 Luật này quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố thuộc trung ương là cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc đăng ký nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài. Đối chiếu các quy định của pháp luật, tại thời điểm năm 1992 chỉ có duy nhất Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn là cơ quan có thẩm quyền giải quyết công nhận và ghi vào sổ hộ tịch quan hệ nhận nuôi con nuôi giữa cố nghệ sĩ Vũ Linh và bà Võ Thị Hồng Loan. Vậy việc Ủy ban nhân dân quận Phú Nhuận cấp giấy giao nhận việc nuôi con nuôi và giấy khai sinh vào ngày 21/3/1992 cho bà Võ Thị Hồng Loan cần phải được Tòa án xem xét về thẩm quyền cấp. Từ đó, Tòa án đánh giá tính trái pháp luật của giấy giao nhận việc nuôi con nuôi và giấy khai sinh này.
2.2. Quy định tại Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự nhằm tạo cơ sở cho Tòa án chủ động trong việc hủy quyết định cá biệt trái pháp luật có ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, nhằm giải quyết vụ việc dân sự một cách chính xác, toàn diện. Mối quan hệ giữa yêu cầu khởi kiện và việc xem xét hủy quyết định cá biệt trái pháp luật trong cùng một vụ án dân sự là mối quan hệ nhân quả.
Một trong những yêu cầu khởi kiện của bà Võ Thị Hồng Nhung có nội dung xác định cố nghệ sĩ Vũ Linh không có người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, những người thuộc hàng thừa kế thứ hai là bà Võ Thị Hồng Nhung và ông Võ Thành Nhiêu, xác định bà Võ Thị Hồng Nhung và ông Võ Thành Nhiêu được hưởng toàn bộ di sản, từ đó bà Võ Thị Hồng Nhung yêu cầu hủy giấy giao nhận nuôi con nuôi và giấy khai sinh của bà Võ Thị Hồng Loan. Trong trường hợp này, Tòa án đã nhận định giữa yêu cầu khởi kiện và việc yêu cầu hủy giấy giao nhận nuôi con nuôi và giấy khai sinh của bà Võ Thị Hồng Loan có mối quan hệ nhân quả là phù hợp, tuy nhiên việc xác định yêu cầu khởi kiện này là tranh chấp về thừa kế là chưa chính xác, quan hệ tranh chấp thừa kế là tranh chấp giữa các thừa kế với nhau về các quyền liên quan di sản, nếu đã xác định các bên tranh chấp là các đồng thừa kế thì việc xem xét hủy giấy giao nhận nuôi con nuôi và giấy khai sinh không phải là hệ quả cần giải quyết toàn diện, các bên tranh chấp mặc nhiên phải là các đồng thừa kế thì mới phát sinh quan hệ tranh chấp thừa kế, mặt khác bà Võ Thị Hồng Nhung là người thuộc hàng thừa kế thứ hai không phát sinh quyền thừa kế khi còn người thuộc hàng thừa kế thứ nhất là bà Võ Thị Hồng Loan. Trường hợp bà Võ Thị Hồng Nhung yêu cầu Tòa án xác định cố nghệ sĩ Vũ Linh không có người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, Tòa án phải xác định đây là yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa cố nghệ sĩ Vũ Linh và bà Võ Thị Hồng Loan thì mới phù hợp mối quan hệ nhân quả với việc xem xét hủy giấy giao nhận nuôi con nuôi và giấy khai sinh. Pháp luật qua từng thời kỳ quy định người có quyền yêu cầu là người nuôi (cố nghệ sĩ Vũ Linh)/con nuôi (bà Võ Thị Hồng Loan). Rõ ràng, bà Võ Thị Hồng Nhung không có quyền khởi kiện tranh chấp thưa kế (vụ án dân sự) và quyền yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi giữa cố nghệ sĩ Vũ Linh và bà Võ Thị Hồng Loan (việc dân sự).
Từ phân tích trên, tác giả cho rằng Tòa án đã xét xử vượt quá phạm vi yêu cầu của đương sự, khi bà Võ Thị Hồng Nhung yêu cầu xét hủy giấy giao nhận nuôi con nuôi và giấy khai sinh của bà Võ Thị Hồng Loan là yêu cầu xem xét quan hệ nuôi con nuôi hợp pháp (xem xét việc quản lý hành chính) thì Tòa án lại xem xét quan hệ nuôi con nuôi thực tế (giải quyết quan hệ dân sự), Bản án sơ thẩm số 09/2025/DS-ST ngày 07 tháng 01 năm 2025 có nội dung xác định bà Võ Thị Hồng Nhung yêu cầu hủy giấy giao nhận nuôi con nuôi và giấy khai sinh của bà Võ Thị Hồng Loan, thông qua việc xác minh, thu thập chứng cứ, Tòa án nhận định hồ sơ gốc đã bị thất lạc, nhưng nội dung phán quyết lại không tuyên chấp nhận hủy hay không hủy giấy. Ở nội dung này, Tòa án cần nhận định không có cơ sở xem xét và đưa ra phán quyết phù hợp với nhận định.
Bài viết là ý kiến cá nhân mang tính thảo luận xoay quanh vụ tranh chấp di sản thừa kế của cố nghệ sĩ Vũ Linh. Tác giả viết bài dựa trên các cơ sở quy định pháp luật để làm rõ các vấn đề về quyền và thẩm quyền của Tòa án trong công tác xét xử. Mục đích bài viết nhằm xây dựng và thống nhất khi áp dụng pháp luật trong công tác chuyên môn.
Tác giả: Ths Nguyễn Thị Kim Nguyên
Công ty Luật TNHH MTV T&Q
58/19 Thành Thái, Phường 12, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh
Tổng đài tư vấn: 1900 599 818
Đặt lịch hẹn Luật sư: 0903 876 125