Quyền khởi kiện của thành viên công ty
Quyền khởi kiện, quyền yêu cầu của thành viên công ty và công ty tại Tòa án, Trọng tài thương mại.
Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu sống của người dân ngày càng tăng cao, đầu tư kinh doanh luôn là lựa chọn phổ biến của các tổ chức, cá nhân nhằm cải thiện mức sống phù hợp với sự phát triển xã hội. Một trong những hình thức đầu tư phát triển nhất hiện nay là hình thức góp vốn đầu tư kinh doanh thông qua việc thành lập công ty. Tuy nhiên, quá trình hoạt động kinh doanh công ty luôn phát sinh nhiều khó khăn, trở ngại, dẫn đến tranh chấp quyền lợi mà các thành viên công ty, cũng như công ty phải đối mặt giải quyết.
Luật Doanh nghiệp năm 2020 đánh dấu một bước tiến đáng kể trong việc ghi nhận quyền khởi kiện, quyền yêu cầu của thành viên công ty, công ty tại Tòa án và Trọng tài. Bước cải tiến này hoàn toàn phù hợp với Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về quyền khởi kiện, quyền yêu cầu của thành viên công ty và công ty.
I. Các tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định tại Khoản 4 Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, cụ thể là:
1. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
Điều luật quy định chủ thể có quyền khởi kiện là công ty, chủ thể bị khởi kiện là các thành viên của công ty; và ngược lại, điền kiện phát sinh quyền khởi kiện là các tranh chấp phải liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
Quyền khởi kiện của các chủ thể trên chỉ được thực hiện trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên, Công ty hợp danh và Công ty Cổ phần.
2. Tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong. Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị. Trong đó bao gồm cả giám đốc và tổng giám đốc trong công ty cổ phần. Các tranh châp liên quan đến việc thành lập, hoạt động. Giải thể, sáp nhập, hợp nhất. Chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
Điều luật quy định chủ thể có quyền khởi kiện là công ty, chủ thể bị khởi kiện là người quản lý trong công ty, điều kiện phát sinh quyền khởi kiện là các tranh chấp phải liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
Chủ thể có quyền khởi kiện cần xác định người quản lý trong công ty theo quy định tại Khoản 24 Điều 4 Luật Doanh nghiệp năm 2020: “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại Điều lệ công ty”.
Tuy nhiên, quyền khởi kiện này chỉ được thực hiện trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên và Công ty Cổ phần. Cụ thể:
– Điểm g Khoản 1 Điều 49 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (quyền khởi kiện trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên): Thành viên Hội đồng thành viên có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm dân sự đối với Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật và người quản lý khác;
– Khoản 1 Điều 166 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (quyền khởi kiện trong Công ty Cổ phần): Cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít nhất 01% tổng số cổ phần phổ thông có quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm liên đới đối với các thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc để yêu cầu hoàn trả lợi ích hoặc bồi thường thiệt hại cho công ty hoặc người khác.
II. Các yêu cầu về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án quy định Khoản 1 Điều 31 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, cụ thể là:
1. Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp (quyền yêu cầu trong Công ty TNHH hai thành viên trở lên)
1.1. Điểm d Khoản 2 Điều 49 Luật Doanh nghiệp năm 2020: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết, quyết định đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật Doanh nhiệp năm 2020 và Điều lệ công ty; thành viên, nhóm thành viên sở hữu từ 10% số vốn điều lệ trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn do Điều lệ công ty quy định có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên.
1.2. Trường hợp công ty có một thành viên sở hữu trên 90% vốn điều lệ và Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại mục 1.1 (nêu trên) thì nhóm thành viên còn lại đương nhiên có quyền yêu cầu Tòa án hủy bỏ nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày kết thúc họp Hội đồng thành viên, nếu trình tự, thủ tục, điều kiện cuộc họp hoặc nội dung nghị quyết, quyết định đó không thực hiện đúng hoặc không phù hợp với quy định của Luật Doanh nhiệp năm 2020 và Điều lệ công ty.
1.3. Khoản 3 Điều 62 Luật Doanh nhiệp năm 2020: Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi có quyết định hủy bỏ của Tòa án hoặc Trọng tài có hiệu lực pháp luật, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp (quyền yêu cầu trong Công ty cổ phần).
2.1. Điều 151 Luật Doanh nghiệp năm 2020: Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được nghị quyết hoặc biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông; cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ nghị quyết hoặc một phần nội dung nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.
2.2. Khoản 3 Điều 152 Luật Doanh nghiệp năm 2020: Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi quyết định hủy bỏ nghị quyết đó của Tòa án, Trọng tài có hiệu lực, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
III. Các tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại năm 2010, cụ thể là:
1. Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
2. Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
3. Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Khoản 1 Điều 5 Luật này quy định về điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài, như sau: Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Bản chất tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty là tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại.
Từ các quy định trên, cho thấy quyền khởi kiện của thành viên công ty và công ty còn được thực hiện tại Trọng tài với điều kiện các bên tranh chấp phải có thỏa thuận trong tài và thỏa thuận trọng tài này được lập trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp.
Mặc dù Luật Doanh nghiệp năm 2020 có quy định quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Hội đồng thành viên; hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thực hiện tại Trọng tài. Tuy nhiên, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 là luật được ban hành trước, Luật này không có Điều luật điều chỉnh quan hệ pháp luật này.
Do đó, quyền yêu cầu của của thành viên; nhóm thành viên công ty; cổ đông; nhóm cổ đông công ty trong trường hợp này được thực hiện tại Tòa án.
IV. Thực tiễn và giải pháp hiệu quả.
Hiện nay nhiều loại hình công ty hoạt động kinh doanh rất hiệu quả, đem lại lợi nhuận kinh tế cao, tuy nhiên vấn đề tranh chấp về quyền của công ty và thành viên công ty vẫn luôn diễn ra và ngày càng tăng tỷ lệ thuận với hiệu quả kinh doanh.
Những công ty có mô hình kinh doanh nhỏ, vừa thường không trang bị đội ngũ pháp chế. Những công ty có mô hình kinh doanh quy mô lớn thì địa bàn hoạt động trãi rộng, dù có trang bị đội ngũ pháp chế thì số lượng nhân viên cũng không đáp ứng phục vụ kịp thời nhu cầu pháp lý cho từng địa bàn kinh doanh.
Đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý tại Công ty Luật T&Q luôn đồng hành với các cá nhân, tổ chức có quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty.
Công ty Luật T&Q nhận thực hiện các dịch vụ pháp lý từ giai đoạn đàm phán, thương lượng, đến giai đoạn khởi kiện, yêu cầu Tòa án, Trọng tài giải quyết tranh chấp. Các dịch vụ pháp lý bảo đảm thực hiện đúng quy định pháp luật và đảm bảo về thời hiệu khởi kiện, thời hạn yêu cầu cho khách hàng. Mọi vướng mắc, nhu cầu dùng dịch vụ pháp lý Luật sư Doanh nghiệp, Quý khách gọi ngay tổng đài Tư Vấn Pháp Lý 1900 599 818. Hoặc Hotline 0903 876 125 gặp Luật sư Ngọc Thủy.