Có nên mua nhà ở xã hội bằng cách lập vi bằng?
Mua nhà ở xã hội bằng vi bằng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhà ở xã hội là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng. Đó là những người được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở. Các đối tượng này được quy định cụ thể tại điều 49 Luật nhà ở năm 2014.
Theo điều 122 Luật nhà ở 2014 thì mua bán nhà ở bắt buộc phải ký hợp đồng công chứng. Tuy nhiên, đối với nhà ở xã hội thì có điểm hạn chế là: “người mua, thuê mua nhà ở xã hội không được chuyển nhượng trong thời hạn 5 năm, kể từ thời điểm trả hết tiền mua, thuê mua. Chỉ được bán lại, thế chấp hoặc cho thuê sau khi có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất” (quy định tại điều 19 nghị định 100/2015/NĐ-CP).
Nhà ở xã hội
Như vậy, trong vòng 5 năm, chủ sở hữu bị hạn chế quyền chuyển nhượng. Trong khoảng thời gian này, chủ nhà muốn bán và có người có nhu cầu mua, nhưng lại không được phép giao dịch. Bởi vậy mới dần hình thành nên những giao dịch mua bán nhà ở xã hội bằng giấy tờ tay, hoặc lập vi bằng vì không đủ điều kiện để công chứng. Người mua đã xem vi bằng như một giấy tờ mua bán hợp pháp. Nhưng họ lại không hiểu rõ vi bằng là gì. Vậy có nên tồn tại hình thức lập vi bằng mua bán nhà ở xã hội hay không?
Vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập. Văn bản này chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến. Việc ghi nhận phải khách quan và trung thực. Theo điều 28 Nghị định số 61/2009/NĐ-CP thì vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án, là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật. Nhưng, người mua không thể sử dụng vi bằng để đăng ký sang tên quyền sở hữu. Vì vi bằng không đúng về mặt hình thức theo quy định của pháp luật.
vi bằng
Lập vi bằng trong giao dịch mua bán nhà ở, hoặc do người mua không biết giá trị của vi bằng. Họ cho rằng vi bằng cũng giống hợp đồng công chứng vì đã có bên thứ ba làm chứng. Hoặc người mua biết nhưng cố tình thực hiện vì không đủ kinh tế để mua nhà dự án khác. Do đó, nếu có nhu cầu thực sự, thay bằng việc mua bán nhà ở xã hội bằng vi bằng, bên mua nên thực hiện giao dịch bằng một số phương thức sau đây để có thể hạn chế rủi ro ở mức độ thấp nhất:
– Hợp đồng ủy quyền nhận giấy chứng nhận của bên bán đối với bên mua.
– Hợp đồng hứa mua, hứa bán giữa hai bên, hoặc.
– Bản di chúc của bên bán để lại nhà ở cho bên mua.
Như vậy, việc mua nhà ở bằng giấy tờ tay hoặc vi bằng là không nên. Nếu mua thì có thể phải gánh chịu rất nhiều rủi ro.
Do đó, bên mua cần nắm rõ bản chất pháp lý của vi bằng. Khi thực hiện một số phương thức giao dịch như trên cần chú ý để đảm bảo quyền lợi khi muốn sở hữu nhà hợp pháp.