Thủ tục cấp phép liên vận Việt Campuchia
Cấp phép liên vận Việt Campuchia.
Thông tư 39/2015/TT-BGTVT quy định về trình tự thủ tục cấp giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia cụ thể như sau:
1. Đối tượng cấp giấy phép liên vận quốc tế Campuchia (quy định tại điều 12)
– Phương tiện thương mại: thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia để đi lại nhiều lần, mỗi lần không quá 30 ngày, có giá trị 01 năm kể từ ngày cấp nhưng không quá thời hạn của Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia.
– Phương tiện phi thương mại: Được đi lại một lần và có thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày cấp.
– Xe cứu hỏa, xe cứu thương được miễn giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia khi đi qua lại biên giới giữa hai nước.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép liên vận Việt Nam –Campuchia (quy định tại điều 12)
2.1. Đối với phương tiện thương mại
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia quy định tại Phụ lục 7a ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Giấy đăng ký phương tiện và hợp đồng thuê phương tiện với tổ chức, cá nhân cho thuê tài chính hoặc cho thuê tài sản nếu phương tiện không thuộc sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải. Trường hợp xe đăng ký thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã phải có giấy đăng ký phương tiện và hợp đồng dịch vụ giữa thành viên với hợp tác xã, trong đó quy định hợp tác xã có quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ quản lý, sử dụng, điều hành xe ô tô thuộc sở hữu của thành viên hợp tác xã;
Hồ sơ
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
d) Bản sao văn bản chấp thuận khai thác tuyến, văn bản thay thế phương tiện hoặc văn bản bổ sung phương tiện của cơ quan quản lý tuyến và hợp đồng đón trả khách tại bến xe khách ở Việt Nam và bến xe khách hoặc nơi đón trả khách ở Campuchia (đối với phương tiện kinh doanh tuyến vận tải hành khách cố định giữa Việt Nam và Campuchia).
2.2. Đối với phương tiện phi thương mại
a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia quy định tại Phụ lục 7b ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Giấy đăng ký phương tiện, trường hợp phương tiện không thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân thì phải kèm theo hợp đồng của tổ chức, cá nhân với tổ chức cho thuê tài chính hoặc tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản theo quy định của pháp luật;
c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
d) Quyết định cử đi công tác của cơ quan có thẩm quyền (trừ xe do người ngoại quốc tự lái).
Lưu ý: Giấy tờ quy định tại điều này là bản sao có chứng thực hoặc bản sao kèm bản chính để đối chiếu
3. Số lượng hồ sơ (quy định tại khoản 1 điều 14)
Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan cấp Giấy phép
4. Cơ quan cấp giấy phép (quy định tại điều 15)
4.1. Tổng cục Đường bộ Việt Nam cấp Giấy phép liên cho các loại phương tiện sau:
a) Xe công vụ thuộc quyền sử dụng của các cơ quan, tổ chức gồm:
Xe của các cơ quan trung ương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, văn phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan thuộc Bộ, thuộc cơ quan ngang Bộ; thuộc các cơ quan thuộc Chính phủ;
Xe của các cơ quan ngoại giao, các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hà Nội;
Xe của các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội, đoàn thể, các tổ chức sự nghiệp ở trung ương.
b) Phương tiện thương mại.
4.2. Sở Giao thông vận tải địa phương cấp Giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia cho phương tiện phi thương mại của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thuộc các đối tượng còn lại đóng trên địa bàn địa phương.
4.3. Sở Giao thông vận tải địa phương nơi có cửa khẩu biên giới giáp với Campuchia theo quy định tại Hiệp định, ngoài việc cấp Giấy phép theo quy định tại khoản 2 Điều này còn được cấp Giấy phép cho phương tiện phi thương mại của các tổ chức, cá nhân đóng trên địa bàn các tỉnh khác của Việt Nam đi qua cửa khẩu tại địa phương mình quản lý.
5. Thời hạn cấp giấy phép ( quy định tại điều 14)
– Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đúng quy định, cơ quan cấp phép cấp Giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia; trường hợp từ chối không cấp, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
– Việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện tại trụ sở cơ quan cấp giấy phép, qua đường bưu điện hoặc bằng các hình thức phù hợp khác.
6. Các trường hợp thu hồi giấy phép (quy định tại điều 16)
– Doanh nghiệp, hợp tác xã bị thu hồi Giấy phép liên vận Việt Nam – Campuchia khi vi phạm một trong các trường hợp sau:
a) Không thực hiện đúng các nội dung ghi trong Giấy phép liên vận hoặc vi phạm các quy định về quản lý hoạt động vận tải;
b) Trong thời gian 03 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép liên vận không hoạt động vận tải liên vận Việt Nam – Campuchia;
Thủ tục
c) Trong thời gian 06 tháng liên tục không hoạt động vận tải liên vận Việt Nam – Campuchia từ 03 chuyến trở lên (chuyến được tính là cả lượt xe đi và về);
d) Không thực hiện chế độ báo cáo hoạt động vận tải liên vận Việt Nam – Campuchia theo quy định tại Điều 21 của Thông tư này;
đ) Bị thu hồi Giấy phép vận tải đường bộ quốc tế Việt Nam – Campuchia.
– Doanh nghiệp, hợp tác xã vi phạm sẽ không được cấp giấy phép mới cho phương tiện trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bị thu hồi.
7. Lệ phí cấp giấy phép liên vận Việt – Campuchia
Lệ phí: 50,000 đồng lần/phương tiện (quy định tại thông tư 76/2004/TT-BTC)
Trên đây là toàn bộ quy trình cấp giấy phép liên vận Việt-Campuchia. Chủ phương tiện có nhu cầu cần thực hiện theo trình tự thủ tục trên. Khi đó mới di chuyển qua cửa khẩu một cách hợp pháp theo mục đích của mình.
Hãy gọi cho chúng tôi nếu bạn có nhu cầu tư vấn: 1900.599.818
Tác giả: Luật sư Bùi Hường
Liên hệ dịch vụ:
https://luatsu1088.vn/bang-lai-xe-quoc-te/